Bộ Giáo dục: Nghiên cứu thêm dạng trắc nghiệm thi tốt nghiệp THPT

Tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, tại Hà Nội, ngày 20/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đang tiếp tục lấy ý kiến về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Theo đó, kỳ thi dự kiến gồm 11 môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Đây là các môn được đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018). Trong đó, một số môn bắt buộc và một số môn do thí sinh lựa chọn. Hiện, Bộ chưa chốt số lượng môn thi bắt buộc.

Về nội dung, kỳ thi sẽ bám sát mục tiêu của chương trình mới, chủ yếu là lớp 12. Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 theo hướng tăng cường đánh giá năng lực của học sinh. Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn khác thi trắc nghiệm.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho hay chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng phát triển 5 phẩm chất, 10 năng lực cho học sinh. Tuy nhiên, bài thi tốt nghiệp THPT không thể đánh giá hết. Vì vậy, kỳ thi sẽ tập trung vào các năng lực quan trọng, phù hợp với định hướng nghề nghiệp giai đoạn THPT như giải quyết vấn đề và sáng tạo, tính toán, năng lực ngôn ngữ.

Định dạng đề thi được nghiên cứu xây dựng theo hướng kế thừa những ưu điểm của đề thi trước, đồng thời đổi mới để phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực. Hiện, trừ Ngữ văn, câu hỏi trong đề thi các môn còn lại được ra dưới dạng trắc nghiệm chọn một trong bốn phương án.

"Chúng tôi đang nghiên cứu thêm một số dạng thức như 4 phương án đúng/sai, câu hỏi mở yêu cầu câu trả lời ngắn", ông Hà nói, cho biết việc này nhằm đánh giá thêm được một số năng lực khác của thí sinh.

Tuy nhiên, ông cũng nhận định mỗi dạng thức có ưu - nhược điểm, cần tính toán kỹ lưỡng về tính khả thi. Chẳng hạn, có phương án đánh giá rất hay nhưng khiến đề thi từ 4 trang giấy tăng lên thành 10 trang thì phải xem xét.

Theo ông Hà, Bộ dự kiến xây dựng định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trong khoảng tháng 10-11, sau đó thử nghiệm ở một số địa phương.

Ông Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại hội nghị ngày 20/9. Ảnh: MOET

Ông Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại hội nghị ngày 20/9. Ảnh: MOET

Về việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, ông Hà nói Bộ có ý tưởng xây dựng thư viện đề thi dùng chung bởi tính mở của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 rất lớn.

Bộ cũng dự kiến mời Viện Khảo thí Giáo dục Mỹ (ETS) và những chuyên gia hàng đầu trong nước bồi dưỡng cán bộ, giáo viên làm công tác khảo thí để xây dựng thư viện câu hỏi. Từ đó, Bộ có ngân hàng câu hỏi thi đảm bảo tính chuẩn hóa.

GS Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên chương trình môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, cho rằng xây dựng định dạng câu hỏi đề thi tốt nghiệp THPT cho phù hợp với chương trình mới là vấn đề khó, cần bàn thảo ở các hội nghị khác với nhiều chuyên gia, nhà quản lý, giáo viên.

Để tạo ra cơ sở khoa học chắc chắn trong xây dựng định dạng câu hỏi thi tốt nghiệp THPT, ông Thái chỉ ra ba việc trước mắt cần làm. Một là làm rõ vai trò, mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT trong mối liên hệ với công tác tuyển sinh của các trường đại học. Hai là nghiên cứu, chuẩn hóa chương trình các môn học trong chương trình mới. Ba là xây dựng bộ chuẩn đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh và bộ công cụ đánh giá ở mỗi môn học trong chương trình mới để dùng chung.

Ông Thái cũng đề xuất ban ra đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2015 cần bao gồm đại diện ban xây dựng và phát triển chương trình mới, tác giả chủ chốt của các bộ sách giáo khoa và các chuyên gia, giáo viên phổ thông cốt cán, có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng đề thi.

2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) thi tốt nghiệp. Để phù hợp với nội dung chương trình mới, kỳ thi tốt nghiệp cũng có nhiều thay đổi.

Hồi giữa tháng 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với bốn môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Ngoài ra, học sinh phải chọn thêm hai môn khác. Ngoài ra, Bộ dự kiến giai đoạn 2025-2030 thí điểm thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm ở một số địa phương. Sau năm 2030, tất cả 63 tỉnh, thành đủ khả năng tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vẫn do Bộ chỉ đạo chung, các địa phương trực tiếp tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh.

Dương Tâm

Chia sẻ bài viết:
Nguồn: VnExpress

Tin khác

Đồng ý sử dụng cookie

Chúng tôi sử dụng cookie để cá nhân hóa và cải thiện trải nghiệm của bạn trên trang web của chúng tôi cũng như để cung cấp cho bạn các quảng cáo có liên quan. Để biết thêm thông tin, hãy nhấp vào 'Tìm hiểu thêm' để kiểm tra các phương pháp thu thập dữ liệu của chúng tôi.

Để biết thêm thông tin, hãy nhấp vào 'Tìm hiểu thêm' để kiểm tra các phương pháp thu thập dữ liệu của chúng tôi.