Các khoản phí bủa vây tân sinh viên

Ngân là tân sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải TP HCM. Nhận thông báo nhập học kèm danh mục 7 khoản thu, gồm học phí (tạm thu 15 tín chỉ học kỳ I), bảo hiểm y tế (tạm thu 15 tháng), bảo hiểm tai nạn (4 năm học), thư viện số toàn khóa học, tin nhắn SMS một năm, sinh hoạt chính trị công dân đầu khóa, hệ thống quét trùng lặp. Tổng số tiền là hơn 6,8 triệu đồng.

Với những sinh viên theo học chương trình chất lượng cao, tổng các khoản thu là hơn 13 triệu đồng do học phí cao hơn. Số tiền này chưa bao gồm đồng phục (gần 1,1 triệu đồng) và tiền phí Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên.

"Em không hiểu phí quét trùng lặp là gì. Tin nhắn SMS, đồng phục liệu có cần thiết không?", Ngân nói.

Trong khi đó, tân sinh viên Đại học Ngân hàng TP HCM nhận được danh mục 13 khoản phí đầu năm. Ngoài học phí tạm tính trong học kỳ I, sinh viên phải đóng thêm 6 khoản phí bắt buộc khác gồm lệ phí nhập học, lệ phí thư viện, giáo trình tài liệu số, wifi, phí kiểm tra tiếng Anh và Tin học đầu vào.

Ngoài tạm thu hơn 7,2 triệu đồng học phí, Đại học Xây dựng Hà Nội cũng thu thêm hơn 2 triệu đồng tiền bảo hiểm y tế bắt buộc, phí làm thẻ sinh viên, lệ phí tổ chức nhập học, khảo sát phân loại tiếng Anh, tuần Công dân - Sinh viên, tiền khám sức khỏe đầu khóa và bảo hiểm thân thể (tự nguyện).

Học viện Ngân hàng tạm thu 13,6 triệu đồng học phí kỳ I cùng hơn 1,2 triệu đồng các khoản bảo hiểm y tế bắt buộc 15 tháng, bảo hiểm thân thể tự nguyện, lệ phí nhập học, sổ tay sinh viên, túi hồ sơ, thẻ sinh viên.

Chủ đề về các khoản thu nhập học được chia sẻ liên tục trên các diễn đàn sinh viên trong hai, ba ngày gần đây.

Danh mục khoản phí đối với sinh viên chính quy của Đại học Ngân hàng TP HCM.

Danh mục khoản phí đối với sinh viên chính quy của Đại học Ngân hàng TP HCM.

Không có quy định nào cụ thể về các khoản thu khi sinh viên nhập học đại học. Tuy nhiên, theo chuyên viên tuyển sinh của một trường ở Hà Nội, các trường đều có nhiều khoản thu bắt buộc như học phí tạm tính, bảo hiểm y tế, phí khám sức khỏe đầu năm hay phí kiểm tra tiếng Anh đầu vào. Trong số này, chỉ có tiền bảo hiểm y tế là như nhau.

"Có trường tạm thu học phí cả học kỳ, có trường chỉ thu một phần, đặc biệt trong bối cảnh chưa biết Chính phủ có cho phép tăng học phí hay không. Với các khoản như khám sức khỏe hay kiểm tra tiếng Anh, mỗi trường có một mức thu riêng, chênh lệch có thể vài chục đến cả trăm nghìn đồng", bà nói.

Ngoài ra, mỗi trường có những khoản phí riêng, như Đại học Ngân hàng TP HCM, Giao thông Vận tải TP HCM. Đây cũng là hai trường xuất hiện nhiều trên các diễn đàn vì sinh viên cho rằng nhiều khoản phí quá "lạ".

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Công tác sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải TP HCM, nhận định các khoản thu đầu năm của trường đều ở mức rất thấp.

Lý giải, ông Tuấn cho biết lệ phí tin nhắn SMS (80.000 đồng một năm) phục vụ công tác liên hệ giữa trường, sinh viên và phụ huynh. Còn phí hệ thống quét trùng lặp (150.000 đồng) để tránh đạo văn, đảm bảo tính trung thực trước khi sinh viên nộp sản phẩm học tập, nghiên cứu. Đây là quy định về đào tạo, nhà trường đưa ra gói này để giảm chi phí so với việc sinh viên phải quét ở bên ngoài. Cả hai khoản phí nói trên đều tùy chọn, không bắt buộc.

Riêng phí sinh hoạt công dân đầu khóa (150.000 đồng), ông nói đây là hoạt động bắt buộc với sinh viên nhưng nằm ngoài chương trình đào tạo. Do đó, trường thu phí để trang trải cơ sở vật chất, công tác tổ chức, tài liệu, báo cáo viên.

Tân sinh viên Đại học Giao thông Vận tải TP HCM làm thủ tục nhập học ngày 28/8. Ảnh: UTHTV

Tân sinh viên Đại học Giao thông Vận tải TP HCM làm thủ tục nhập học, ngày 28/8. Ảnh: UTHTV

Thu cả phí thư viện, giáo trình tài liệu số, wifi, ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu, Đại học Ngân hàng TP HCM, cho biết các khoản đều được tính toán hợp lý.

Ví dụ, lệ phí thư viện được thu theo quy định của Nhà nước, đảm bảo mỗi môn học có tối thiểu 3 sách giáo trình, tài liệu tham khảo, sách chuyên khảo, tạp chí chuyên ngành, lượng sách 20-50 cuốn cho mỗi đầu sách, phù hợp để sinh viên tham khảo hoặc mượn học.

Về khoản thu giáo trình, tài liệu số, ông Vũ cho hay khoản này bù đắp một phần chi phí nhà trường đầu tư cho công tác biên soạn, thẩm định, số hóa, bảo trì hệ thống học liệu số. Mỗi sinh viên được cấp tài khoản riêng, thoải mái truy cập, sử dụng. Giáo trình số bao gồm giáo trình, tài liệu tham khảo, bài tập, sinh viên không cần mua sách bản giấy.

Ông tính toán trung bình một chương trình đào tạo có hơn 40 môn học, mỗi môn có 1-3 giáo trình, tài liệu tham khảo. Như vậy mỗi sinh viên chỉ tốn khoảng 19.000 đồng mỗi môn học.

"Trường buộc phải thu phí wifi do nhà trường đã có những khoản đầu tư lớn để tăng băng thông, đáp ứng nhu cầu truy cập Internet của người học", ông Vũ nói.

Hoàng Thanh, tân sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng khoản phí đầu năm "càng ít càng tốt" do tân sinh viên phải chi nhiều khoản như đặt cọc và thuê nhà trọ, chi phí đi lại, mua đồ dùng mới.

Thanh đã đóng 6 triệu đồng, gồm học phí tạm thu đợt 1 học kỳ I, bảo hiểm y tế, phí kiểm tra tiếng Anh đầu vào, phí khám sức khỏe. Mức này thấp hơn học phí kỳ I theo dự kiến của trường.

"Trường tạm thu thấp hơn giúp sinh viên chúng em bớt gánh nặng, ít nhất là ở thời điểm đủ thứ phải chi như lúc này", Thanh nói.

Lệ Nguyễn - Dương Tâm

* Tên nhân vật được thay đổi

Chia sẻ bài viết:
Nguồn: VnExpress

Tin khác

Đồng ý sử dụng cookie

Chúng tôi sử dụng cookie để cá nhân hóa và cải thiện trải nghiệm của bạn trên trang web của chúng tôi cũng như để cung cấp cho bạn các quảng cáo có liên quan. Để biết thêm thông tin, hãy nhấp vào 'Tìm hiểu thêm' để kiểm tra các phương pháp thu thập dữ liệu của chúng tôi.

Để biết thêm thông tin, hãy nhấp vào 'Tìm hiểu thêm' để kiểm tra các phương pháp thu thập dữ liệu của chúng tôi.