Đại học gánh lãi giúp sinh viên vay tiền đóng học phí

Để hỗ trợ những sinh viên có nhu cầu vay tiền trang trải học phí, nhiều trường đại học cho biết đã huy động tài trợ từ doanh nghiệp, cựu sinh viên để trả lãi, bảo lãnh khoản vay cho sinh viên tại các ngân hàng thương mại.

Đại học Kinh tế TP HCM có chương trình tín dụng học tập cho sinh viên từ năm 2016. Sinh viên được bảo lãnh để vay ngân hàng hoặc đóng học phí trả góp qua thẻ tín dụng.

TS Bùi Quang Hùng, Phó hiệu trưởng, cho biết đây là cách nhà trường đồng hành cùng sinh viên và phụ huynh, giảm bớt những trăn trở về học phí. Đến nay, 484 lượt sinh viên đã vay với số tiền hơn 5,9 tỷ đồng.

Mỗi sinh viên được vay tối đa 3 tháng, số tiền bằng học phí một học kỳ. 130 suất đầu tiên năm nay sẽ được nhà trường chi trả lãi suất ngân hàng. Vượt số lượng này, trường xét duyệt theo một số tiêu chí riêng.

Ngoài ra, sinh viên hoặc phụ huynh có thể trả góp học phí trong 3 tháng với lãi suất 0% qua thẻ tín dụng. Mức phí chuyển đổi trả góp được nhà trường hỗ trợ, tối đa 130 suất.

"Trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối với doanh nghiệp, cựu sinh viên để thêm các chính sách hỗ trợ học tập", TS Hùng chia sẻ.

Hình thức trả góp học phí qua thẻ tín dụng cũng là cách trường Đại học Hoa SenĐại học Quốc tế Hồng Bàng đang áp dụng. Nếu vay, sinh viên được trả góp trong 12 tháng với lãi suất 0%.

Tân sinh viên Đại học Kinh tế TP HCM được tư vấn thủ tục vay ngân hàng khi nhập học đầu tháng 9. Ảnh: UEH

Tân sinh viên Đại học Kinh tế TP HCM được tư vấn thủ tục vay ngân hàng, đầu tháng 9. Ảnh: UEH

Từ năm 2020, Đại học Quốc gia TP HCM cũng có chính sách tín dụng riêng cho sinh viên các trường, khoa, phân hiệu trực thuộc thông qua Quỹ Phát triển.

Sinh viên có nhu cầu vay vốn được trường đề cử với ngân hàng. Quỹ Phát triển sẽ bảo lãnh khoản vay và trả lãi cho sinh viên từ nguồn tài trợ của các doanh nghiệp. Sinh viên được vay theo từng học kỳ, thường với mức bằng đúng học phí phải nộp (không vượt quá 20 triệu đồng). Điều kiện là các em chưa vay ở tổ chức tín dụng nào, không bị kỷ luật, sinh viên từ năm thứ hai phải đạt điểm học tập 6/10 và điểm rèn luyện 70/100 trở lên. Sau khi đi làm, sinh viên trả nợ gốc, tối đa trong hai năm.

TS Bùi Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Quỹ Phát triển Đại học Quốc gia TP HCM, cho biết 235 sinh viên đã tiếp cận chương trình này để trang trải chi phí học tập.

"Nguồn lực không thể đáp ứng cho tất cả sinh viên nên chính sách tín dụng này ưu tiên cho các em có hoàn cảnh khó khăn", TS Hạnh cho biết.

Ngoài ra, trường Đại học Bách khoa TP HCM còn có một số chính sách hỗ trợ khác.

Ông Trần Việt Toàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Việc làm, trường Đại học Bách khoa TP HCM, cho biết Cộng đồng cựu sinh viên Phú Thọ-Bách Khoa (BKA) cũng bảo lãnh cho sinh viên vay ngân hàng để đóng học phí. Từ khi triển khai vào năm 2021 đến nay, khoảng 200 em đã vay. Mức vay tối đa bằng học phí phải đóng mỗi kỳ, mỗi người được vay tối đa 4 lần. Thời gian hoàn trả là hai năm kể từ khi vay.

Tuy nhiên, hàng năm, sinh viên phải thanh toán lãi suất (6-8% một năm) cho ngân hàng. Khi trả hết nợ gốc, toàn bộ tiền lãi trong thời gian vay sẽ được quỹ BKA chuyển lại cho sinh viên.

Ông Toàn giải thích thực chất sinh viên được vay không lãi suất. Việc để sinh viên tự trả lãi ngân hàng nhằm tạo cho các em sự tự giác, trách nhiệm với khoản vay và biết quản trị tài chính cá nhân. Trong quá trình đó, nếu sinh viên có kết quả học tập từ 8/10, hoàn cảnh gia đình khó khăn, BKA sẽ xét cấp học bổng bằng 50% hoặc toàn bộ khoản vay.

"Tất cả sinh viên có nhu cầu vay vốn để trả học phí đều được hỗ trợ, trừ trường hợp phát sinh nợ xấu trước đó trên hệ thống ngân hàng. Thủ tục xét duyệt đơn giản, chỉ cần điền hồ sơ online", ông Toàn nói.

Trước đó, từ năm 2018, nhờ nguồn lực của quỹ cựu sinh viên khoa Cơ khí, hơn 120 sinh viên đã được mượn tiền để đóng học. Ngoài ra, Bách khoa TP HCM còn có chính sách gia hạn học phí tối đa 6 tháng cho sinh viên khó khăn về tài chính đột xuất, có lý do chính đáng.

Tân sinh viên Đại học Bách khoa TP HCM làm thủ tục nhập học ngày 25/8. Ảnh: HCMUT

Tân sinh viên Đại học Bách khoa TP HCM làm thủ tục nhập học ngày 25/8. Ảnh: HCMUT

Hiện nay, Chính phủ có chính sách cho mỗi sinh viên được vay vốn học tập, tối đa 4 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, chương trình này chỉ áp dụng cho sinh viên mồ côi; gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo; gia đình gặp khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn...

Vì thế, theo ông Toàn, chương trình tín dụng riêng của các trường đại học rất cần thiết, bởi không phải ai cũng được vay theo chính sách trên.

Theo phương án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, trần học phí năm học 2023-2024 với các đại học công chưa tự chủ là 1,2-2,45 triệu đồng một tháng, tùy nhóm ngành. Mức thu các năm trước là 980 nghìn đến 1,43 triệu đồng.

Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...) được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tức 2,4-6,15 triệu đồng một tháng. Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng, các đại học được tự xác định học phí.

Lệ Nguyễn

Chia sẻ bài viết:
Nguồn: VnExpress

Tin khác

Đồng ý sử dụng cookie

Chúng tôi sử dụng cookie để cá nhân hóa và cải thiện trải nghiệm của bạn trên trang web của chúng tôi cũng như để cung cấp cho bạn các quảng cáo có liên quan. Để biết thêm thông tin, hãy nhấp vào 'Tìm hiểu thêm' để kiểm tra các phương pháp thu thập dữ liệu của chúng tôi.

Để biết thêm thông tin, hãy nhấp vào 'Tìm hiểu thêm' để kiểm tra các phương pháp thu thập dữ liệu của chúng tôi.