Hồ sơ hoàn hảo vẫn có thể trượt đại học Mỹ

Nữ sinh học trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội đỗ Đại học Harvard có mẹ là lao công. Một bạn trai người Nigeria đỗ Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) mà không có SAT và điểm tiếng Anh TOEFL chỉ 75/120.

Những hiện tượng này không hiếm ở những ngôi trường cạnh tranh nhất nước Mỹ. Nếu nhìn vào hồ sơ của các ứng viên trên, trước đó không ai dám chắc họ sẽ đỗ vào những ngôi trường này. Vì sao? Câu trả lời là ở chính sách xét tuyển toàn diện (Holistic Admissions).

Theo Hiệp hội đại học công lập Mỹ, đây là chiến lược tuyển sinh nhằm đánh giá trải nghiệm độc đáo của ứng viên bên cạnh các thước đo về thành tích học tập. Qua đó, các đại học xem xét một loạt yếu tố phản ánh sự sẵn sàng học tập, đóng góp cho trường và tiềm năng thành công sau này của ứng viên.

Phương pháp xét tuyển này cũng đảm bảo sự đa dạng trong một khóa tuyển sinh ở trường đại học.

Không có mẫu số chung

Nếu hỏi cán bộ tuyển sinh của các trường top 20 như Rice, Vanderbilt, Amherst... bạn sẽ nhận được câu trả lời nước đôi: tất cả và không yếu tố nào cả. Mỗi thí sinh đều có những điểm độc đáo.

Ngay cả thí sinh đỗ vào các trường này cũng không biết lý do mình được lựa chọn. Bởi nếu công bố lý do, trường có thể phải đưa ra thông tin cụ thể của học sinh. Điều này vi phạm quyền bảo mật riêng tư.

Thứ hai, điều này khiến hồ sơ ứng tuyển năm sau sẽ đồng loạt có hình dáng tương tự, và trường sẽ không thể đạt được mục tiêu đa dạng trong tuyển sinh. Vì thế, việc giữ kín lý do mỗi thí sinh đỗ vào trường trở thành chuẩn mực nghề nghiệp trong giới tuyển sinh.

Trên một mặt bằng toàn điểm học, điểm thi tuyệt đối thì nhiều khi một chi tiết cá nhân rất nhỏ trong hồ sơ của bạn cũng làm nên chuyện (hoặc làm bạn bị đánh trượt). Không ai có thể biết trước đó là chi tiết nào vì còn phụ thuộc vào tổng quan hồ sơ của năm đó và ưu tiên của trường.

Năm 2015, trường tôi (trường Quốc tế Bắc Kinh) có 5 bạn nộp hồ sơ vào Đại học Princeton nhưng chỉ một bạn đỗ. Khi nhận kết quả, ban cố vấn đại học bất ngờ vì hồ sơ của bạn đỗ lại từng bị đánh giá là yếu nhất.

Sau này, khi gặp đại diện Princeton ở một hội thảo, tôi được biết là do bạn ấy chơi clarinet (loại nhạc cụ có hình dáng tương tự sáo dọc) mà dàn hợp xướng của trường đang khuyết một chân clarinet. Ở Trung Quốc, học sinh chơi piano và vĩ cầm nhiều, còn clarinet lại hiếm. Bạn học sinh đó gọi là số hên cũng phải.

Còn bạn trai người Nigeria đã bị cho vào danh sách chờ nhưng sau đỗ MIT vì một lá thư giới thiệu độc đáo từ chính một giáo sư của trường. Ông này tình cờ gặp bạn ấy mùa hè năm trước ở một dự án chế tạo máy phát điện từ năng lượng mặt trời, nên lá thư đã thay đổi quyết định của ban tuyển sinh. Trường hợp này là sự kỳ diệu.

Sinh viên di chuyển trong khuôn viên Trường Kinh doanh Harvard. Ảnh: Harvard University Fanpage

Sinh viên di chuyển trong khuôn viên Trường Kinh doanh Harvard. Ảnh: Harvard University Fanpage

Chiến lược tuyển sinh này chỉ có ở Mỹ và cũng chỉ được các trường tư thục hàng đầu sử dụng triệt để. Lý do là cách xét tuyển như vậy rất tốn kém, các trường giàu với nhiều nhân viên tuyển sinh mới lọc và đọc được mấy chục nghìn hồ sơ mỗi mùa.

Hơn nữa, việc xét tuyển toàn diện có tính linh hoạt cao, tạo nhiều không gian cho việc tuyển chọn thí sinh với những tố chất vượt trội. Thống kê của Harvard và một số trường cho thấy trong số những hồ sơ bị đánh trượt ở mỗi kỳ tuyển sinh, không dưới 4.000 có điểm GPA, SAT (bài thi chuẩn hóa gồm Đọc hiểu, Ngôn ngữ và Toán), AP (chương trình xếp lớp nâng cao) đạt tuyệt đối.

Vì thế, việc phải sử dụng các yếu tố ngoài thành tích học tập là điều bắt buộc. Điều này không có nghĩa là các trường chỉ lựa chọn trong nhóm điểm tuyệt đối mà các yếu tố ưu tiên như chủng tộc, quốc tịch, gia cảnh, năng khiếu thể thao... đôi khi còn quyết định hơn.

Mặt trái của chính sách xét tuyển toàn diện

Xét tuyển toàn diện nhằm lựa chọn những ứng viên xuất sắc nhất nhưng cũng có thể phân biệt đối xử giữa các thí sinh. Trước đây, phòng tuyển sinh ở Harvard dường như chỉ tuyển chọn một nhóm sinh viên nhất định - những người theo đạo Tin lành xuất thân từ gia đình thượng lưu da trắng.

Nhưng năm 1905, bài thi tuyển sinh đại học xuất hiện làm đảo lộn sự ưu ái này. Nó biến giấc mơ đại học thành hiện thực với bất kỳ ai thi đủ điểm và nguồn tài chính để theo học.

Tuy nhiên, điều này chẳng mấy chốc tan biến. Sau một vài năm thực hiện bài thi tuyển sinh đầu vào, họ bỗng không hài lòng với sự gia tăng số lượng sinh viên Do Thái. Đến năm 1922, nhóm này chiếm hơn 1/5 số tân sinh viên của Harvard. Tỷ lệ sinh viên Do Thái tăng vọt vì điểm của họ trong kỳ thi tuyển sinh tốt hơn một cách đáng kinh ngạc so với nhóm thí sinh khác.

Harvard đã thay đổi tiêu chí tuyển sinh một lần nữa. Họ đưa khái niệm "toàn diện", yêu cầu thí sinh phải có các bài luận, thư giới thiệu, đánh giá về "sự nam tính" (thời điểm này phụ nữ chưa được học đại học) và bằng chứng về các hoạt động ngoại khóa.

Với ma trận các tiêu chí như thế, một thí sinh có thể đỗ vì bất cứ lý do gì, và cũng có thể trượt vì hàng chục lý do khác. Vì thế, nếu bạn nộp hồ sơ vào những trường hàng đầu, hãy xác định tinh thần bị từ chối, còn nếu đỗ, kiểu gì cũng phải có chút yếu tố may mắn.

Mai Thùy Dương (Thạc sĩ Kiểm định và Đánh giá giáo dục)

Chia sẻ bài viết:
Nguồn: VnExpress

Tin khác

Đồng ý sử dụng cookie

Chúng tôi sử dụng cookie để cá nhân hóa và cải thiện trải nghiệm của bạn trên trang web của chúng tôi cũng như để cung cấp cho bạn các quảng cáo có liên quan. Để biết thêm thông tin, hãy nhấp vào 'Tìm hiểu thêm' để kiểm tra các phương pháp thu thập dữ liệu của chúng tôi.

Để biết thêm thông tin, hãy nhấp vào 'Tìm hiểu thêm' để kiểm tra các phương pháp thu thập dữ liệu của chúng tôi.