Phụ huynh đóng góp sửa chữa trường lớp, có sai quy định?

Quỹ phụ huynh lớp 1/2 trường Tiểu học Hồng Hà, TP HCM, chi 227 triệu đồng để sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cho lớp học, gây xôn xao các diễn đàn phụ huynh từ hôm 27/9 đến nay.

Ngoài mức thu chi được cho là quá cao, câu hỏi đặt ra là việc phụ huynh tự vận động, đóng góp để sửa chữa cơ sở vật chất của trường có trái với quy định hay không.

Bởi theo Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Trả lời VnExpress, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết việc phụ huynh tự nguyện đóng góp, tài trợ để sửa chữa phòng học là không sai.

Ông Minh dẫn Thông tư 16 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, cơ sở giáo dục được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để cải tạo sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình; mua sắm trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy học.

Khi hướng dẫn các trường thực hiện thông tư này, TP HCM khuyến khích các nhà tài trợ theo hình thức "chìa khóa trao tay", tức mua sắm trang thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh theo sự thỏa thuận và hướng dẫn của nhà trường.

"Thông tư 55 yêu cầu ban đại diện cha mẹ học sinh không được bắt buộc phụ huynh quyên góp để sửa chữa trường lớp, mua sắm trang thiết bị. Nhưng nếu phụ huynh tự nguyện và đồng thuận đóng góp, tài trợ thì thực hiện theo Thông tư 16", ông Minh giải thích.

Tuy nhiên, Thông tư 16 cũng quy định việc vận động và nhận tài trợ phải theo nguyên tắc tự nguyện, công khai, không quy định mức tài trợ bình quân hay tối thiểu. Các trường không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không xem huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục.

Chánh văn phòng Sở cho hay, khi vận động tài trợ, nhà trường phải lập kế hoạch, được đơn vị quản lý phê duyệt thì mới thực hiện. Sau đó, trường phải làm thủ tục quyết toán theo quy định.

Ông nói thêm nhờ chính sách này, các trường học được cải thiện đáng kể về cơ sở vật chất, trang thiết bị trong khi kinh phí nhà nước còn hạn chế.

"Có những trường xây dựng lâu năm, quá trình sử dụng có hạng mục xuống cấp, hư hỏng, cần cải tạo, sửa chữa trong khi nguồn kinh phí Nhà nước cấp còn hạn hẹp nên đã vận động nguồn tài trợ xã hội hóa. Tương tự với các thiết bị hỗ trợ dạy học", ông Minh nói.

Tuy nhiên, ông thừa nhận phần lớn trường vẫn tập trung vận động từ phụ huynh thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh, chưa mở rộng đến các nhóm như doanh nghiệp, tổ chức xã hội, mạnh thường quân.

Trong khi đó, vào đầu năm học, phụ huynh phải lo mua sách, vở, dụng cụ học tập, đồng phục, bảo hiểm y tế cho con. Các khoản vận động tài trợ dễ trở thành gánh nặng cho họ vào đầu năm.

Vì thế, Sở đã đề nghị các trường mở rộng diện vận động tài trợ, không chỉ tập trung vào phụ huynh và không dồn vào đầu năm học.

Với vụ việc xảy ra ở trường Tiểu học Hồng Hà, các cơ quan quản lý đã chấn chỉnh và yêu cầu ban đại diện cha mẹ học sinh trả lại tiền cho phụ huynh. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thạnh xác định công trình tu sửa, mua sắm cho lớp học do phụ huynh tự nguyện đóng góp, nhưng quá trình vận động, thu chi sai quy định.

Nhiều phụ huynh lớp 1/2 của trường cũng cho biết đã đồng thuận đóng góp để sơn sửa, ốp gạch men phòng học để con em được thoải mái khi ăn học cả ngày ở trường. Vấn đề khiến họ bức xúc là mức chi quá cao và không được hỏi ý kiến trước.

Lệ Nguyễn

Chia sẻ bài viết:
Nguồn: VnExpress

Tin khác

Đồng ý sử dụng cookie

Chúng tôi sử dụng cookie để cá nhân hóa và cải thiện trải nghiệm của bạn trên trang web của chúng tôi cũng như để cung cấp cho bạn các quảng cáo có liên quan. Để biết thêm thông tin, hãy nhấp vào 'Tìm hiểu thêm' để kiểm tra các phương pháp thu thập dữ liệu của chúng tôi.

Để biết thêm thông tin, hãy nhấp vào 'Tìm hiểu thêm' để kiểm tra các phương pháp thu thập dữ liệu của chúng tôi.