Trường học không được huy động vốn của phụ huynh

Nội dung trên được ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, nêu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, sáng 29/9.

Theo ông Hiếu, ở TP HCM hiện có 5 trường ngoài công lập ký hợp đồng đầu tư giáo dục với phụ huynh. Ông nhìn nhận các đơn vị này không tách bạch hoạt động của doanh nghiệp và trường học.

"Hợp đồng dân sự giữa phụ huynh với chủ trường, chủ đầu tư cần tách rời với hoạt động trường học. Theo quy định của pháp luật, trường học chỉ tổ chức thu học phí định kỳ, không được ký kết hùn vốn, góp vốn, huy động vốn tiềm ẩn nguy cơ gây khó khăn cho công tác quản lý", ông Hiếu nói.

Theo Giám đốc Sở, chu kỳ học tập của học sinh có thể kéo dài 12-15 năm. Trong khoảng thời gian đó, xã hội có nhiều biến động, giá cả thay đổi nên các hợp đồng hợp tác sẽ gây khó khăn cho cả phụ huynh lẫn nhà trường.

Cách đây bốn ngày, Sở đã ra văn bản chấn chỉnh hoạt động các trường ngoài công lập, nhấn mạnh nội dung này. Động thái được đưa ra sau khi nhiều phụ huynh tụ tập đòi nợ trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) hôm 21/9. Những phụ huynh này nói cho trường vay hàng chục tỷ đồng không lãi suất để con được học miễn phí, nay con ra trường nhưng chưa được hoàn lại.

Hôm 28/9, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở, nói trong mọi tình huống, quyền lợi học tập của học sinh được đặt lên cao nhất. Việc vay vốn theo thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường sẽ có cơ quan quản lý vào cuộc.

Phụ huynh trường Quốc tế Mỹ Việt Nam đến cổng trường đòi nợ hôm 21/9. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Phụ huynh trường Quốc tế Mỹ Việt Nam đến cổng trường đòi nợ hôm 21/9. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Cũng tại hội nghị, Phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập của Sở cho hay TP HCM có 90 trường tư thục có vốn đầu tư trong nước với khoảng 48.000 học sinh. 21 trường phổ thông, 27 trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài có khoảng 17.500 học sinh, trong đó 7.000 là người Việt.

Ngoài ra, thành phố có 760 trung tâm ngoại ngữ, tin học; 112 cơ sở giáo dục ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài; 122 đơn vị tham gia tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; 584 tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học và 24 văn phòng đại diện tham gia hoạt động giáo dục.

Theo Sở, hoạt động của các cơ sở này còn một số hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho hay hơn 2.000 giáo viên, nhân viên người nước ngoài đang làm việc tại các trường học, đa số là ngoài công lập. Một số ký hợp đồng lao động với đơn vị trung gian nên rủi ro khi nghỉ việc.

Một trường có vốn nước ngoài tuyển học sinh người Việt Nam vượt tỷ lệ quy định 50%. "Đây là quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì số lượng học sinh người Việt hơn 50% thì không đảm bảo môi trường học tập quốc tế", ông Hiếu nói.

Còn bà Tạ Thị Minh Thư, Trưởng phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập, cho biết vẫn còn tình trạng trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống tổ chức lớp bán trú vệ tinh, giữ trẻ mầm non, dạy học thêm cho học sinh sai quy định. Một số đơn vị chưa hoạt động công đoàn cơ sở, không thực hiện hồ sơ công nhận hội đồng trường theo quy định.

Bà cho biết thời gian tới, Sở sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời có cơ chế giám sát nhanh thông tin phản ánh của phụ huynh. Với các trường tư thục, trung tâm ngoại ngữ, tin học, Phòng sẽ giám sát việc kê khai và công khai giá dịch vụ đào tạo.

Sở cũng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục, mỗi năm một lần, mở thêm các kênh tiếp nhận thông tin để hỗ trợ và hướng dẫn các đơn vị kịp thời.

Lệ Nguyễn

Chia sẻ bài viết:
Nguồn: VnExpress

Tin khác

Đồng ý sử dụng cookie

Chúng tôi sử dụng cookie để cá nhân hóa và cải thiện trải nghiệm của bạn trên trang web của chúng tôi cũng như để cung cấp cho bạn các quảng cáo có liên quan. Để biết thêm thông tin, hãy nhấp vào 'Tìm hiểu thêm' để kiểm tra các phương pháp thu thập dữ liệu của chúng tôi.

Để biết thêm thông tin, hãy nhấp vào 'Tìm hiểu thêm' để kiểm tra các phương pháp thu thập dữ liệu của chúng tôi.