Điểm chuẩn đại học 2023: Sư phạm Lịch sử, Khoa học Máy tính dẫn đầu

Đến 23/8, hơn 140 trường đại học đã công bố điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2023. Nhìn chung, điểm chuẩn của đa số ngành, đặc biệt là nhóm dẫn đầu, biến động không nhiều, trong khoảng 0,5-1 điểm.

Chẳng hạn trường Đại học Ngoại thương ghi nhận ngành cao nhất là Ngôn ngữ Trung, thí sinh phải đạt 9,5 điểm trung bình mỗi mới mới đỗ. Mức này tăng nhẹ so với năm ngoái (9,2 điểm). Hầu hết ngành còn lại của trường lấy điểm chuẩn từ 27 trở lên.

"Về cơ bản điểm chuẩn ổn định so với năm ngoái", trường Đại học Ngoại thương nhận xét khi công bố ngưỡng trúng tuyển vào trưa 22/8.

Đây cũng là nhận định của PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bà cho biết nhìn ở mặt bằng chung, kết quả bước đầu cho thấy điểm trúng tuyển của các trường khá tương đồng với năm 2022.

Theo bà Thủy, đa số trường ghi nhận tích cực về số lượng thí sinh trúng tuyển với điểm chuẩn mình đề ra, chỉ tiêu đào tạo và dữ liệu thí sinh đăng ký.

TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Nha Trang, cho rằng việc điểm chuẩn giữ ổn định, có phần tăng nhẹ, cũng đến từ việc các trường thận trọng hơn khi đưa ra ngưỡng trúng tuyển. Lý do là Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh xử phạt trường tuyển vượt chỉ tiêu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của năm tới.

Thí sinh tại TP HCM tra cứu phòng thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Thí sinh tại TP HCM tra cứu phòng thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Năm 2023, các ngành có điểm chuẩn cao nhất đều là ngành được thí sinh quan tâm trong 3-5 năm qua.

Sư phạm Lịch sử dẫn đầu nhóm đào tạo giáo viên

Điểm chuẩn cao nhất của nhóm ngành này thuộc về trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngành Sư phạm Lịch sử của trường này lấy 28,58 điểm, tức thí sinh phải đạt hơn 9,5 điểm một môn mới trúng tuyển.

Đây cũng là ngành lấy điểm cao nhất ở loạt trường khác, gồm Đại học Sư phạm Hà Nội (28,42), trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội (28,17), Đại học Vinh (28,12), trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên (28) và trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế (27,6).

Thực tế, điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử ở một số trường đã tăng vọt từ năm ngoái. GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết một trong những lý do chính khiến điểm chuẩn ngành này cao là do chỉ tiêu xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT không nhiều.

Như tại Đại học Sư phạm Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao tuyển gần 70 sinh viên ngành này, trong đó chỉ 25 chỉ tiêu tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. Chưa kể năm nay, 16 học sinh đạt giải quốc gia môn Lịch sử đăng ký xét tuyển thẳng vào ngành Sư phạm Lịch sử nên chỉ tiêu cho các phương thức cũng giảm đi.

Nhìn chung, điểm chuẩn nhóm ngành Sư phạm đã ở mức cao (trên 27 điểm) trong vài năm qua. Theo học ngành này, thí sinh được miễn học phí, trợ cấp sinh hoạt 3,65 triệu đồng một tháng. Trong khi đó, chỉ tiêu lại giảm do vướng mắc về việc đặt hàng đào tạo theo nghị định 116.

Khoa học máy tính dẫn đầu, nhóm kỹ thuật tăng

Khoa học Máy tính tiếp tục dẫn đầu về điểm chuẩn đại học năm 2023. Điểm chuẩn kỷ lục của ngành này được ghi nhận ở Đại học Bách khoa Hà Nội với 29,42 điểm - mức cao nhất của cơ sở đào tạo này trong 5 năm qua.

Ở phía Nam, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM, lấy điểm chuẩn ngành này với 28,05 điểm. Với cách xét tuyển kết hợp riêng, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính cũng là có điểm chuẩn cao nhất trường Đại học Bách khoa TP HCM, lần lượt 79,84 và 78,26/100, tăng 4-11 điểm.

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Công nghiệp TP HCM, cho biết xu hướng điểm chuẩn các ngành khối Kỹ thuật như Cơ khí, Điều khiển tự động hóa, Cơ khí chế tạo máy trên toàn quốc tăng 0,5-1 điểm hoặc cao hơn ở một số trường thu hút thí sinh.

"Đây là một tín hiệu đáng mừng, thí sinh đã bắt đầu chú ý hơn đến nhóm ngành này thay vì chạy theo các ngành hot theo phong trào", ông Nhân nói.

Ở Đại học Công nghiệp TP HCM, nhóm ngành này có điểm chuẩn dao động 19-23,75, ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử tăng gần 4 điểm. Xu hướng này cũng tương tự ở Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, các ngành Kỹ thuật có điểm chuẩn dao động 20-26,9 điểm, tăng so với năm ngoái. Trong đó, ngành Kỹ thuật công nghiệp tăng mạnh nhất 5,3 điểm.

Ở phía Bắc, đa số ngành trong nhóm Kỹ thuật - Công nghệ của trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội cũng ghi nhận điểm chuẩn tăng 1-2,5 điểm, dao động 22-27,57.

Logistics, Marketing, Thương mại điện tử không giảm sức hút

Xu hướng này thể hiện rõ ở trường Đại học Kinh tế quốc dân. Dù tính theo thang điểm 30 hay 40, những ngành cao lần lượt là Thương mại điện tử, Truyền thông Marketing. Thí sinh phải đạt 9,3 điểm mỗi môn mới đỗ hai ngành này.

Thương mại điện tử cũng là ngành lấy điểm chuẩn cao nhất của trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng với 26,5 điểm.

Ở Đại học Kinh tế TP HCM, ngành Công nghệ Marketing cao nhất - 27,2 điểm, kế đó là Marketing, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng 27. Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế, cũng có ngưỡng điểm chuẩn cao nhất - 23 tại ngành Marketing.

Ngay cả ở những trường mà lĩnh vực thế mạnh không phải kinh tế, những ngành này vẫn thu hút thí sinh. Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành có điểm chuẩn cao nhất Học viện Nông nghiệp Việt Nam với 24,5. Đây cũng là ngành thuộc nhóm dẫn đầu trường Đại học Thủy lợi với 25,01 điểm, hay cao nhất ở Đại học Xây dựng với 24,49 điểm.

Đại diện tuyển sinh của một trường kinh tế phía Bắc cho rằng xu hướng mua sắm trực tuyến sau Covid-19 đã tác động đáng kể tới thói quen tiêu dùng, khiến nhiều thí sinh chọn ngành Thương mại điện tử. Từ đó, điểm chuẩn ngành này cũng tăng mạnh trong vài năm trở lại đây.

Riêng với Marketing, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, ông nhận xét hai ngành này trước giờ vẫn có sức hút do cơ hội làm việc rộng mở, các vị trí công việc cũng đa dạng, ít gò bó.

Theo ông, kết quả này đã được các trường dự đoán trước, không bất ngờ. Ông dự đoán những ngành này tiếp tục duy trì sức hút trong nhiều năm tới.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Từ nay tới 17h ngày 24/8, tất cả trường đại học phải hoàn thành công bố điểm chuẩn. Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ ngày 24/8 đến 17h ngày 8/9.

Cùng với đó, các trường đại học có kế hoạch nhập học riêng, thường được đăng tải trên website hoặc fanpage chính thức, đồng thời gửi cho thí sinh qua email, số điện thoại hoặc giấy báo trúng tuyển. Thí sinh cần làm thủ tục nhập học theo hướng dẫn này.

Thí sinh không xác nhận nhập học trong thời gian quy định, nếu không có lý do chính đáng, coi như không trúng tuyển.

Các đợt tuyển bổ sung sẽ bắt đầu từ 9/9 đến tháng 12. Khi đã xác nhận nhập học, thí sinh không được xét tuyển bổ sung, trừ khi được trường đồng ý. Những thí sinh chưa trúng tuyển có thể tham gia xét tuyển bổ sung nếu đủ điều kiện.

Thanh Hằng - Tâm Lệ

Chia sẻ bài viết:
Nguồn: VnExpress

Tin khác

Đồng ý sử dụng cookie

Chúng tôi sử dụng cookie để cá nhân hóa và cải thiện trải nghiệm của bạn trên trang web của chúng tôi cũng như để cung cấp cho bạn các quảng cáo có liên quan. Để biết thêm thông tin, hãy nhấp vào 'Tìm hiểu thêm' để kiểm tra các phương pháp thu thập dữ liệu của chúng tôi.

Để biết thêm thông tin, hãy nhấp vào 'Tìm hiểu thêm' để kiểm tra các phương pháp thu thập dữ liệu của chúng tôi.