Đại học top đầu Mỹ đánh giá hồ sơ ứng tuyển như thế nào
Với hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn du học, anh Đặng Hữu Phước, Giám đốc một công ty du học tại TP HCM, cho hay từng tiếp xúc với đại diện tuyển sinh của nhiều đại học Mỹ. Theo anh, các trường thường xét hồ sơ một cách toàn diện, không chỉ quan trọng điểm số.
Sau đây là một số chia sẻ của anh Phước về từng phần trong bộ hồ sơ ứng tuyển đại học top đầu ở Mỹ:
1. Học thuật: Luôn là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất, thể hiện khả năng học tập, tư duy cũng như xu hướng nghề nghiệp của ứng viên. Để đánh giá việc này, các trường thường căn cứ một số tiêu chí:
- Điểm trung bình học tập (GPA): Ứng viên thường phải nộp điểm từ đầu lớp 9 đến giữa hoặc hết kỳ I của lớp 12 và được đánh giá cao nếu điểm có chiều hướng đi lên theo các năm, hoặc đi đều.
- Xếp hạng: Ở Mỹ có 42.000 trường trung học. Việc so sánh năng lực của học sinh giữa các trường trên toàn quốc là bất khả thi nên hội đồng tuyển sinh quan tâm đến thứ hạng của họ trong khối lớp của mình. Tuy nhiên, đa số trường ở Việt Nam không xếp hạng học sinh. Vì vậy, các nhà tuyển sinh ở Mỹ thường nhìn kỹ điểm và đánh giá của giáo viên để phân tích trình độ của ứng viên.
Nếu thiếu thông tin, họ có thể mở dữ liệu của ứng viên từng nộp vào trường các năm trước để so sánh.
- Độ khó môn học: Học sinh Việt Nam học chung 13 môn sẽ không có sự khác biệt nhưng nếu có môn chuyên thì đó là điểm cộng. Các trường đại học top 50 thường đặt tiêu chí "độ khó môn học" là yếu tố quan trọng. Họ nhìn vào kết quả chương trình IB (Tú tài quốc tế) hoặc môn AP (chương trình xếp lớp nâng cao dành cho học sinh trung học) để đánh giá năng lực học tập của ứng viên.
Ở Việt Nam, một vài trường quốc tế dạy AP, trong khi đa số các trường trung học công lập thì chưa. Học sinh quan tâm có thể học thêm ở trung tâm hoặc tự học rồi đăng ký thi vào cuối tháng 5 hàng năm.
IB cũng được tính vào độ khó môn học và chuyển đổi tín chỉ vào đại học. Với ban tuyển sinh trường top của Mỹ, điểm A, thậm chí B ở các lớp nâng cao thậm chí còn ấn tượng hơn là điểm A+ ở các môn thông thường.
- Điểm bài thi chuẩn hóa (SAT/ACT): Điểm bài thi chuẩn hóa này càng cao, ứng viên sẽ càng có lợi thế ở đa số trường. Chẳng hạn với bài thi SAT, điểm từ 1.400/1.600 hay điểm ACT từ 31/36 trở lên được coi là mức tương đối tốt.
- School Report/ School Profile: Đây được xem như một bản thông tin chi tiết về thành tích của học sinh của trường trung học. Trong này, các nhà trường ghi rõ điểm số, thang điểm, đánh giá của trường hay chương trình dạy, chẳng hạn có dạy môn AP hay không.
Họ sẽ xem kỹ các môn trong học bạ và so với ngành bạn đăng ký để xem có phù hợp hay không. Ví dụ, ứng viên chọn theo ngành Kỹ thuật mà điểm Toán, Lý không cao bằng những môn khác thì có thể là một điểm trừ.
2. Cuộc sống học sinh: Trường đánh giá ứng viên trong các hoạt động bên ngoài lớp học. Các yếu tố được xem xét bao gồm hoạt động ngoại khóa, tài năng, kinh nghiệm làm việc, giải thưởng... mà ứng viên đạt được.
Khi nói chuyện với một cựu giám đốc tuyển sinh của Đại học Dartmouth, ông cho hay muốn biết ứng viên sử dụng thời gian rảnh sau giờ học để làm gì hay tại sao ứng viên quan tâm đến hoạt động này, rồi họ trở nên tốt hơn như thế nào sau đó.
Ví dụ, một ứng viên ngoài hoạt động ngoại khóa thường dành ba tiếng mỗi ngày tự học leetcode, phần mềm sẽ được đánh giá cao nếu định theo ngành Khoa học máy tính.
Một sai lầm lớn của ứng viên mà năm nào tôi cũng gặp là cố liệt kê thật nhiều hoạt động ngoại khóa. Tôi cho rằng đối với các ban tuyển sinh, chất lượng của hoạt động ngoại khóa quan trọng hơn số lượng. Thế nên, ứng viên hãy ghi vào hồ sơ những hoạt động quan trọng, đã giúp bạn trưởng thành và thực sự nuôi dưỡng đam mê của bạn.
3. Tính cách cá nhân: Điều này được hội đồng tuyển sinh đánh giá qua bài luận, thư giới thiệu và phỏng vấn trực tiếp.
Trong đó, thư giới thiệu của giáo viên kèm với hồ sơ học thuật góp phần thể hiện năng lực cũng như thái độ học tập của ứng viên. Thái độ học tập được các trường coi trọng vì họ đều muốn tuyển những sinh viên giỏi tư duy và tiềm năng, thay vì chỉ học vẹt hoặc học vì điểm số.
Bài luận và các thư giới thiệu khác tới từ trưởng câu lạc bộ, sếp ở công ty... kèm với hồ sơ ở mục 2 sẽ giúp trường phân tích tính cách, con người cũng như định hướng nghề nghiệp của ứng viên.
Cựu giám đốc tuyển sinh của Đại học Dartmouth cho biết không bao giờ nhận một ứng viên nào chỉ vì bài luận cá nhân quá hay mà sẽ xét tổng thể một bộ hồ sơ gồm nhiều phần. Vì thế, việc chăm chút cho bài luận cá nhân là cần thiết nhưng cũng đừng hy vọng ban tuyển sinh sẽ ấn tượng và nhận bạn ngay nếu như các yếu tố khác không tốt.
4. Những yếu tố khác
Có nhiều yếu tố khiến bạn cảm thấy lạ lẫm hoặc bất công, nhưng vẫn là một phần trong tiêu chí tuyển sinh ở nhiều trường, chẳng hạn: khu vực địa lý, nền tảng kinh tế xã hội hay truyền thống gia đình (có bố, mẹ hoặc ông, bà từng theo học tại trường)...
Các đại học Mỹ đều hướng tới môi trường đa dạng văn hóa, sắc tộc. Việt Nam hiện đứng thứ 5 về số sinh viên quốc tế ở Mỹ. Vì vậy, tôi cho rằng khi nộp đơn, các ứng viên Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn. Ứng viên đến từ các quốc gia ít du học sinh Mỹ như Lào, Singapore, Thái... đôi khi lại có khả năng đỗ cao dù hồ sơ khá tương đồng.
Về nền tảng kinh tế xã hội, ở đây là yếu tố về tài chính. Tại nhiều trường, bạn đủ lực về tài chính thì mới được xét duyệt hồ sơ.
Ngoài ra, bạn có thể thêm điểm cộng nếu người thân từng học và tốt nghiệp tại trường ứng tuyển. Theo một thống kê, 35% sinh viên được nhận vào các trường Ivy League có yếu tố này.
Cuối cùng, các trường top luôn nhận được nhiều hồ sơ và họ cũng muốn đảm bảo tỷ lệ sinh viên nhập học cao nhất có thể. Vậy nên, họ sẽ ưu tiên ứng viên nào thể hiện sự quan tâm tới trường, chẳng hạn như tham gia các sự kiện trực tuyến, từng tới tham quan hoặc theo dõi các kênh truyền thông của trường.
Đặng Hữu Phước