60 sinh viên Việt giành học bổng thực tập tại New Zealand

Chương trình học bổng này do Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand - ENZ) phối hợp với Đại học Auckland (New Zealand) triển khai. Mục tiêu của hai đơn vị là mang đến cơ hội tăng cường năng lực và kỹ năng cho các bạn trẻ muốn nắm bắt cơ hội phát triển sớm tại các doanh nghiệp quốc tế. Qua đây, các tài năng Việt có thể học hỏi và tiếp cận môi trường làm việc năng động, đổi mới tại New Zealand.

Bạn Dương Phan Hiệp My (sinh viên năm ba, ngành Quản trị Kinh doanh, Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP HCM) là một trong những sinh viên xuất sắc giành được học bổng này. Cô cho biết, đây là cơ hội đầu tiên bản thân được "lấn sân" sang môi trường làm việc quốc tế. Quá trình thực tập mang đến những trải nghiệm thực tế khác với những hình dung về ngành nghề khi còn đi học.

Hiệp My - nữ sinh có cơ hội thực tập tại Hiệp hội Kế toán Australia và New Zealand. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hiệp My - nữ sinh có cơ hội thực tập tại Hiệp hội Kế toán Australia và New Zealand. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong thời gian thực tập tại Hiệp hội Kế toán Australia và New Zealand (Chartered Accountants Australia and New Zealand), My và các bạn cùng nhóm đã hoàn thành một dự án thực tế "Nghiên cứu kỳ vọng của sinh viên quốc tế đối với nhà tuyển dụng khi tìm kiếm việc làm tại New Zealand".

Thay vì phân tích những dữ liệu có sẵn như thường lệ, nữ sinh TP HCM tự thiết kế bảng câu hỏi, khảo sát sinh viên quốc tế, thu thập các thông tin và phân tích. Qua đó, cô phát triển loạt kỹ năng như tư duy logic khi thiết kế câu hỏi, kỹ năng phân tích và chắt lọc số liệu để đưa ra kết luận.

"Mình còn học văn phong tiếng Anh chuyên nghiệp từ cách chị cố vấn chỉnh sửa bài khảo sát, 'mẹo' thuyết trình thu hút bằng cách đặt câu hỏi cho khán giả hay sử dụng ngôn ngữ hình thể", My nói thêm.

Nhận học bổng giống Hiệp My, Đỗ Trung Định (sinh viên năm cuối, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng có thêm nhiều kinh nghiệm liên quan đến giao tiếp và làm việc với đồng nghiệp đa quốc tịch ở doanh nghiệp nước ngoài. Những buổi đầu tham gia kỳ thực tập, nam sinh gặp khó khăn khi nghe hiểu ngữ điệu đặc trưng của các bạn Ấn Độ.

"Khi đó, mình đã sử dụng mẹo được học trước khi bắt đầu kỳ thực tập là lặp lại những lời bạn nói hoặc đơn giản là nhờ bạn nhắc lại", Trung Định kể lại.

Định nhận thấy, môi trường làm việc đa văn hóa giúp thực tập sinh dần cởi mở và học cách đón nhận những quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, mỗi người cần có thêm kỹ năng chắt lọc để tránh nhiễu thông tin. "Một điều mình học từ cố vấn là hãy đặt bản thân vào vị trí người đọc để xem ý tưởng, câu hỏi của mình có đang lan man với họ hay không", nam sinh chia sẻ thêm.

Trung Định (góc phải bên dưới) phát triển kỹ năng ngoại ngữ trong môi trường đa văn hóa khi thực tập cùng sinh viên từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Italy. Ảnh: ENZ

Trung Định (góc phải bên dưới) phát triển kỹ năng ngoại ngữ trong môi trường đa văn hóa khi thực tập cùng sinh viên từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Italy. Ảnh: ENZ

Sau quá trình trình bày ý kiến thường xuyên trong kỳ thực tập, Định rèn luyện tư duy phản biện, vận dụng tiếng Anh thương mại thuần thục và tự nhiên hơn.

Đồng thời, nam sinh được củng cố thêm động lực trở thành giáo viên khi tiếp xúc với quản lý dự án trong môi trường chuyên nghiệp. Định cảm thấy việc lên kế hoạch, nghiên cứu tài liệu, giao tiếp với các thành viên khác cũng tương tự như công việc của một người giáo viên: chuẩn bị giáo án, tài liệu phù hợp, thấu hiểu tâm lý học sinh. Ngoài ra, việc thực hành quản lý từ kỳ thực tập giúp bạn tránh khỏi cảm giác bỡ ngỡ khi làm việc với một lớp học thực tế trong tương lai.

Tương tự Hiệp My và Trung Định, Nguyễn Thị Ngọc Sâm (sinh viên năm cuối, chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP HCM) có ba tuần thực tập tại Pacific Harvest, doanh nghiệp chuyên về sản xuất thực phẩm làm từ rong biển của New Zealand. Cô nhận định đây là bước đệm quan trọng cho cánh cửa sự nghiệp của bản thân.

Nữ sinh phát triển vượt bậc về kỹ năng nghiên cứu và phân tích thị trường. Dự án nghiên cứu về ngành hàng rong biển tại các thị trường châu Á đã giúp cô có góc nhìn cặn kẽ hơn về văn hóa, thói quen tiêu dùng từng thị trường để xác định các thị trường cần thâm nhập, điểm bán hàng độc nhất, khách hàng mục tiêu, chiến lược giá và phân phối, cũng như khác biệt văn hóa cần lưu ý tại từng thị trường.

"Mặt khác, các thông tin về ngành rong biển cũng mở rộng kiến thức ngành cho mình. Trước đó mình chưa có cơ hội tiếp xúc lĩnh vực này", Sâm nói thêm.

Ngọc Sâm - nữ sinh Đại học Quốc gia TP HCM giành suất học bổng thực tập tại New Zealand. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngọc Sâm - nữ sinh Đại học Quốc gia TP HCM giành suất học bổng thực tập tại New Zealand. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bên cạnh kỹ năng làm việc thực tiễn, cô gái sinh năm 2002 tích lũy thêm nhiều kiến thức về phân tích hành vi tiêu thụ của người tiêu dùng qua yếu tố văn hóa khi giao lưu với bạn bè quốc tế.

Sâm kể lại, cậu bạn cùng nhóm Muhammad Rafli Ramdani (ngành Xã hội học, Indonesia) có cách tiếp cận vấn đề khá mới mẻ. Ramdani tìm kiếm thông tin trên mạng, đồng thời, trực tiếp đến siêu thị địa phương để quan sát giá thành, thành phần nguyên liệu của các đối thủ cùng ngành và cập nhật thông tin với cả nhóm. Theo Sâm, tiếp cận vấn đề không theo lối mòn sẽ giúp bản thân chủ động phát hiện những khía cạnh mới và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.

Nhật Lệ

Chia sẻ bài viết:
Nguồn: VnExpress

Tin khác

Đồng ý sử dụng cookie

Chúng tôi sử dụng cookie để cá nhân hóa và cải thiện trải nghiệm của bạn trên trang web của chúng tôi cũng như để cung cấp cho bạn các quảng cáo có liên quan. Để biết thêm thông tin, hãy nhấp vào 'Tìm hiểu thêm' để kiểm tra các phương pháp thu thập dữ liệu của chúng tôi.

Để biết thêm thông tin, hãy nhấp vào 'Tìm hiểu thêm' để kiểm tra các phương pháp thu thập dữ liệu của chúng tôi.