Hai năm loay hoay dạy môn tích hợp

Nhìn thời khóa biểu năm học mới, cô Huyền, giáo viên môn Lý ở Hà Nam, thở dài. Là giáo viên Vật lý duy nhất trong trường, cô Huyền có tuần chỉ dạy 10 tiết, nhưng có tuần gần 30 tiết. Việc này do có thời điểm cả ba khối lớp (6, 7, 8) cùng học Vật lý trong môn Khoa học tự nhiên.

Theo chương trình mới, từ năm 2021, học sinh THCS không học Sinh học, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý riêng lẻ mà học Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, gọi là môn tích hợp. Về lý thuyết, môn này chỉ cần một giáo viên đảm nhận nhưng vì không có người chuyên trách, trường cô Huyền phân công giáo viên môn nào dạy môn đó.

Theo cô, giáo viên phải học bốn năm để dạy một môn, giờ phải dạy thêm hai môn "không khác gì đánh đố". Cô Huyền từng dạy thử cả Hóa và Sinh học nhưng không tự tin và chỉ sợ học sinh hỏi bài.

"Khi đi học, tôi theo khối A00 (Toán, Lý, Hóa) nên nhiều kiến thức Sinh tôi không nhớ", cô giáo bày tỏ.

Các trường học khác cũng đang loay hoay. Theo nhiều giáo viên, môn tích hợp làm ảnh hưởng đến cả việc giảng dạy và học tập của thầy trò, bố trí thời khóa biểu, kiểm tra, đánh giá.

Hiệu trưởng một trường học ở Quảng Trị nói phải gọi Khoa học Tự nhiên hay Lịch sử và Địa lý là "môn ghép" chứ không phải môn tích hợp. Ở trường ông, giáo viên môn nào dạy phần đó. Đến kỳ kiểm tra thì căn theo khối lượng kiến thức, mỗi giáo viên ra đề phần của mình rồi ghép lại.

"Đề trắc nghiệm thì ai chấm cũng được, tự luận thì giáo viên nào chấm phần đó, vào điểm thì tự thỏa thuận", ông nói, thêm rằng trường phải phân công một người chuyên sắp thời khóa biểu.

Tương tự, ở trường THCS Bùi Quang Mại, huyện Đông Anh, Hà Nội, phó hiệu trưởng Nguyễn Khả Đống cho biết năm đầu dạy tích hợp, trường bố trí giáo viên dạy các bài học theo thứ tự trong sách, tới bài của giáo viên nào thì người đó dạy. Năm vừa rồi, học sinh được học rời lần lượt từng môn Lý, Hóa, Sinh. Vì thế, giáo viên có khi một tuần dạy 32 tiết nhưng có khi lại thiếu giờ.

Năm nay, ông Đống cho biết các trường được chủ động chọn cách dạy tùy điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất. "Chắc chúng tôi sẽ áp dụng cách mà năm đầu tiên đã làm", ông Đống nói. Cách này phần nào cân đối được số giờ dạy một tuần của thầy cô.

Trong buổi gặp gỡ với giáo viên cả nước hồi giữa tháng 8, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, thừa nhận dạy tích hợp là là một trong những khó khăn nhất khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, là "điểm vướng, nghẽn, khó".

Học sinh lớp 6, trường THCS Nguyễn Tri Phương, Hà Nội, trong một buổi học tháng 2/2022. Ảnh: Giang Huy

Học sinh lớp 6, trường THCS Nguyễn Tri Phương, Hà Nội, tháng 2/2022. Ảnh: Giang Huy

PGS.TS Chu Cẩm Thơ, trưởng Ban nghiên cứu Đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng nguyên nhân chính của việc này là điều kiện dạy học chưa đảm bảo. Hầu hết trường chưa được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học, giáo viên và học sinh dạy chay, học chay, không được làm thí nghiệm hay thực hành nên không thể hình dung thế nào là tích hợp.

Ngoài ra, nhiều nơi thiếu nhân lực, trong đó có giáo viên dạy tích hợp. Các trường đại học Sư phạm như Thái Nguyên, Hà Nội 2, Huế, Đà Nẵng, TP HCM đã tuyển sinh ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, nhưng chưa có sinh viên tốt nghiệp.

Cuối tháng 7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp cấp THCS, thời lượng 20-36 tín chỉ. Giáo viên có thể theo học ở các trường có khoa sư phạm, kinh phí từ ngân sách nhà nước hoặc tự đóng. Sau khoảng 6 tháng, họ được cấp chứng chỉ.

Tuy nhiên, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2022-2023 hôm 18/8, bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng "không thể vài tháng bồi dưỡng chứng chỉ mà dạy được", cần có giáo viên chuyên trách, được đào tạo bài bản.

"Ngành giáo dục phải đầu tư cho khối sư phạm thật cẩn thận", bà Doan nhấn mạnh.

Học sinh trường THCS Hà Huy Tập, TP HCM, trong buổi trải nghiệm tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh, tháng 12/2021. Ảnh: Fanpage nhà trường

Học sinh trường THCS Hà Huy Tập, TP HCM, trong buổi trải nghiệm tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh, tháng 12/2021. Ảnh: Fanpage nhà trường

Dù vậy, không ít trường học đang dần bắt nhịp được với dạy tích hợp.

Cô Hứa Thị Diễm Trâm, hiệu trưởng THCS Hà Huy Tập, TP HCM, cho biết trường đã tổ chức các buổi thảo luận, cùng đọc sách cho giáo viên đơn môn. Các thầy cô luyện tập dạy chéo môn rồi góp ý cho nhau. Việc này diễn ra cả trong dịp hè.

"Nhờ những buổi này, giáo viên Lịch sử mới biết xoay quả địa cầu về hướng nào cho đúng, còn giáo viên Địa lý cũng nắm được cách triển khai một bài giảng Lịch sử. Những thứ tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng nếu giáo viên không biết thì sẽ dạy sai, không tự tin khi đứng lớp", cô Trâm nói.

Để đồng hành, ban giám hiệu lắng nghe, hỗ trợ tài liệu cho giáo viên. Theo cô Trâm, các trường nên giảm bớt đầu việc máy móc hay bắt giáo viên làm sổ sách, báo cáo để họ tập trung vào chuyên môn.

"Khó đến đâu thì lãnh đạo và giáo viên cùng gỡ, quan trọng là dám làm, đồng hành và chia sẻ với nhau", cô Trâm nói, cho biết 31 giáo viên đơn môn không còn "sợ" tích hợp như hai năm trước.

Trong hội thảo về dạy tích hợp hôm 27/8 do Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới tổ chức, ông Trịnh Ngọc Hải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên, Lai Châu, cho biết cả huyện chỉ có hai giáo viên Lịch sử và Địa lý, còn Khoa học tự nhiên không có ai, nhưng "tinh thần là vừa làm, vừa gỡ khó".

Theo ông, Phòng đã thành lập tổ chuyên môn cốt cán, kết nối giáo viên giỏi. Hàng tháng, tổ này tới từng trường để dự giờ, chia sẻ kinh nghiệm hoặc dạy minh họa. Các hoạt động bồi dưỡng liên môn cũng được tổ chức nhiều hơn, kết hợp đưa thầy cô tới các trường triển khai tốt môn tích hợp để học hỏi.

Giữa tháng 8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói "khả năng cao" sẽ điều chỉnh các môn tích hợp.

Bà Chu Cẩm Thơ cho rằng rất đáng tiếc nếu môn tích hợp bị tách về từng đơn môn, bởi dạy tích hợp là chủ trương đúng, giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực như mục tiêu của chương trình mới. Theo bà, các trường nên được tạo điều kiện để tự chủ việc này. Trường nào đang làm tốt thì khuyến khích tiếp tục, nơi khó khăn cần được hỗ trợ.

Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, chuyên gia Viện Nghiên cứu Giáo dục, trường Đại học Sư phạm TP HCM, cũng tán thành phương án này.

"Không nên lo ngại về việc mỗi nơi một kiểu, bởi trường học càng sáng tạo, linh hoạt thì học sinh sẽ năng động, thành công hơn", ông nói.

Tuy nhiên, ông cho rằng việc tách môn chỉ nên áp dụng với lớp 9 - lứa tuổi các em đã có định hướng, còn khối 6, 7, 8 nên duy trì dạy tích hợp để phát huy tối đa mục tiêu của chương trình mới.

Còn cô Huyền, giáo viên Vật lý ở Hà Nam, rất trông chờ việc tách môn. Cô cho rằng lên THPT, học sinh vẫn học từng môn lẻ, tại sao THCS lại tích hợp, gây "phức tạp và mệt mỏi".

"Thế hệ sau này được đào tạo chính quy sẽ làm tốt hơn. Còn hiện tại tôi cho rằng không thể cứ dạy và lạc quan như vậy được", cô Huyền nói.

Thanh Hằng

Chia sẻ bài viết:
Nguồn: VnExpress

Tin khác

Đồng ý sử dụng cookie

Chúng tôi sử dụng cookie để cá nhân hóa và cải thiện trải nghiệm của bạn trên trang web của chúng tôi cũng như để cung cấp cho bạn các quảng cáo có liên quan. Để biết thêm thông tin, hãy nhấp vào 'Tìm hiểu thêm' để kiểm tra các phương pháp thu thập dữ liệu của chúng tôi.

Để biết thêm thông tin, hãy nhấp vào 'Tìm hiểu thêm' để kiểm tra các phương pháp thu thập dữ liệu của chúng tôi.