Nhiều lãnh đạo không đánh trống, phát biểu ở lễ khai giảng

Ngày 4/9, ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết lãnh đạo tỉnh sẽ đi thăm 16 trường học, từ đồng bằng đến vùng sâu, vùng xa trong ngày khai giảng, nhưng không phát biểu và đánh trống.

"Chủ tịch nước đã có thư chúc mừng nhân ngày khai giảng, nên tinh thần của lãnh đạo tỉnh là đi thăm, động viên thầy cô và học sinh, để buổi lễ khai giảng ngắn gọn và ý nghĩa", ông Tuấn nói.

Theo ông, phần đánh trống và phát biểu sẽ do thầy cô đảm nhận. Lãnh đạo tỉnh tặng hoa, quà cho giáo viên hoặc trao học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó.

Học sinh THPT Tây Trà, Quảng Nam chuẩn bị lễ khai giảng, hôm 4/9. Ảnh: Minh Hiển

Học sinh THPT Tây Trà, Quảng Ngãi, chuẩn bị lễ khai giảng, hôm 4/9. Ảnh: Minh Hiển

Tương tự, các phòng Giáo dục và Đào tạo ở Đà Nẵng chỉ đạo trường học tổ chức lễ khai giảng năm học mới với tinh thần "ngắn gọn, không có phần phát biểu của lãnh đạo các cấp".

Thầy Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng THCS Nguyễn Huệ, cho biết chương trình khai giảng của 2.300 học sinh chỉ đơn giản với phần đại diện tặng hoa cho học sinh đầu cấp, hai tiết mục văn nghệ, hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn trong một trang giấy A4 và đánh trống một hồi ba tiếng, sau đó vào lớp học.

Theo thầy Phước, năm nay ngành giáo dục đã thống nhất đại biểu tham dự không tặng hoa, không phát biểu, không đánh trống.

"Việc phát biểu quá dài, tặng hoa cho nhiều thành phần trong lễ khai giảng sẽ khiến học sinh phải chờ, mệt mỏi", thầy Phước nói, cho biết lễ khai giảng ngắn gọn giúp học sinh không phải ngồi lâu ngoài trời, không khí vui tươi hơn.

Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng trường Mầm non Ngọc Lan, quận Hải Châu cũng đồng tình. Theo cô, lễ khai giảng hình thức khiến học trò uể oải, nhà trường tốn kém. Cô trò phải bỏ ra cả tháng trời để tập văn nghệ, tốn nhiều tiền thuê trang phục, trang điểm.

Năm nay, trường khai giảng ngắn gọn, không kê bàn ghế cho đại biểu, không tổ chức văn nghệ, sân khấu tối giản với chiều dài hơn hai mét, ngang 1,2 mét.

"Tôi sẽ mời một em nhỏ lên sân khấu, cầm tay em cùng đánh trống khai trường", cô Trâm cho hay.

Sau lễ khai giảng, học sinh về lớp làm quen với cô và bạn mới. Những em khó khăn được nhận một phần quà của nhà trường và hội cha mẹ học sinh; những em khác nhận quà là truyện tranh. Buổi trưa, các bé ăn buffet.

Sân khấu của Trường mầm non Ngọc Lan chỉ đủ chỗ cho một giáo viên, một học sinh lên đánh trống. Ảnh: Thư Trâm

Sân khấu của Trường mầm non Ngọc Lan chỉ đủ chỗ cho một giáo viên, một học sinh lên đánh trống. Ảnh: Thư Trâm

Sáng 5/9, hơn 20 triệu học sinh cả nước sẽ dự lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học mới. Các trường được quán triệt tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm trong thời gian khoảng 30-45 phút.

Một số nội dung phổ biến của lễ khai giảng gồm đón học sinh đầu cấp; Chào cờ, hát Quốc ca; Đọc thư của Chủ tịch nước; Phát biểu chào mừng của hiệu trưởng và Đánh trống khai trường (một hồi, ba tiếng). Các trường cũng có thể cho biểu diễn một số tiết mục văn nghệ xen kẽ, phù hợp với lứa tuổi của học sinh.

Linh Phạm - Nguyễn Đông

Chia sẻ bài viết:
Nguồn: VnExpress

Tin khác

Đồng ý sử dụng cookie

Chúng tôi sử dụng cookie để cá nhân hóa và cải thiện trải nghiệm của bạn trên trang web của chúng tôi cũng như để cung cấp cho bạn các quảng cáo có liên quan. Để biết thêm thông tin, hãy nhấp vào 'Tìm hiểu thêm' để kiểm tra các phương pháp thu thập dữ liệu của chúng tôi.

Để biết thêm thông tin, hãy nhấp vào 'Tìm hiểu thêm' để kiểm tra các phương pháp thu thập dữ liệu của chúng tôi.