Nhiều trường đại học thu học phí thấp hơn dự kiến

Khoảng 8.000 tân sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội bắt đầu năm học mới từ tuần này. Khi làm thủ tục nhập học, các tân sinh viên tạm đóng 6 triệu đồng, trong đó 4,4 triệu là tiền học phí.

PGS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết theo đề án tuyển sinh năm nay, trường dự kiến thu học phí chương trình chuẩn dao động 23-29 triệu đồng một năm, tăng khoảng 8% so với năm ngoái. Học phí chương trình chất lượng cao, quốc tế và liên kết quốc tế dao động 25-90 triệu đồng, tương tự như năm 2022.

Tuy nhiên, sau khi Chính phủ cho biết sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 về học phí hồi cuối tháng 7, Đại học Bách khoa Hà Nội quyết định thu học phí kỳ I tương tự như mức hai năm qua, khoảng 10 triệu đồng một học kỳ.

"Từ kỳ II, nếu Chính phủ quy định không tăng học phí, nhà trường vẫn thu mức như kỳ đầu. Nếu được phép tăng, trường chỉ tăng tối đa 8%", ông Điền nói.

Trước đó, Đại học Giao thông Vận tải TP HCM, cũng thông báo dừng tăng học phí. Trường sẽ thu khoảng 10,6 triệu đồng một năm với chương trình chuẩn, thấp hơn 5,9 triệu đồng so với dự kiến ban đầu. Mức thu mới tương tự năm học 2020-2021, đồng nghĩa bốn năm trường không tăng học phí.

Nhiều trường khác tạm thu mức học phí năm ngoái như Học viện Ngoại giao và Đại học Ngoại thương. Cụ thể, trường Đại học Ngoại thương thu dao động từ 10 đến 35 triệu đồng một học kỳ, còn Học viện Ngoại giao thu 9,5-20,75 triệu đồng. Các mức này thấp hơn dự kiến của hai trường khoảng 1-2,5 triệu đồng một học kỳ.

Tương tự, học phí tạm thu học kỳ I của Đại học Bách khoa TP HCM là 13,75-36 triệu đồng, tùy chương trình đào tạo. Mức này như năm ngoái, thấp hơn khoảng 10% so với dự kiến.

Các trường cho biết tạm thu thấp hơn so với học phí dự kiến do Chính phủ chưa có quy định chính thức về mức trần học phí đối với các trường đại học công lập. Học viện Ngoại giao cho hay có thể cân nhắc điều chỉnh khi có quy định mới.

Phụ huynh đóng học phí cho con ở Đại học Công thương TP HCM, ngày 25/8. Ảnh: HUIT

Phụ huynh đóng học phí cho con ở trường Đại học Công thương TP HCM, ngày 25/8. Ảnh: HUIT

Việc các trường dừng tăng học phí hoặc tạm thu thấp hơn dự kiến giúp sinh viên giảm bớt gánh nặng dịp nhập học.

"Tân sinh viên phải chi nhiều khoản dịp đầu năm học như đặt cọc và thuê nhà trọ, chi phí đi lại, mua đồ dùng mới. Vì vậy, trường tạm thu càng thấp càng đỡ gánh nặng ở thời điểm này", Hoàng Thanh, tân sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, nói.

Việc tạm thu bằng mức năm ngoái còn có thể giúp các trường tránh được rắc rối về thủ tục nếu Chính phủ không cho phép tăng học phí. Như năm ngoái, do đã thu mức mới từ đầu năm học nhưng đến tháng 12, Chính phủ yêu cầu không được tăng học phí khiến hàng loạt trường phải trả lại tiền học phí chênh lệch.

Dù vậy, một số trường hiện vẫn tạm thu với mức tăng như dự kiến đối với sinh viên mới nhập học.

Chẳng hạn, trường Đại học Sư phạm TP HCM thông báo học phí chương trình chuẩn với tân sinh viên dao động 13-16,25 triệu đồng một học kỳ, bằng mức học phí dự kiến trong đề án tuyển sinh. Với các khóa trước, học phí được tính dao động 693.000-827.000 đồng mỗi tín chỉ, tăng 20% so với năm ngoái.

Trần học phí với đại học công lập do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất.

Trần học phí với đại học công lập trong 4 năm tới, do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hồi cuối tháng 8 cho biết đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81. Theo đề xuất của Bộ, học phí mầm non, phổ thông, đại học năm học này áp dụng mức trần của năm học 2022-2023, tức lùi một năm so với lộ trình tăng học phí mà Nghị định 81 đề ra.

Cụ thể, trần học phí với đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học tới là 1,2-2,45 triệu đồng một tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1,35-2,76 triệu đồng. Mức thu hiện nay là 980.000 đến 1,43 triệu đồng.

Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tức 2,4-6,15 triệu đồng một tháng. Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài, các đại học được tự xác định học phí.

Các trường đại học nói mong Chính phủ sớm ban hành quy định mới về học phí để có căn cứ đưa ra mức học phí chính thức của năm học này.

Dương Tâm

Chia sẻ bài viết:
Nguồn: VnExpress

Tin khác

Đồng ý sử dụng cookie

Chúng tôi sử dụng cookie để cá nhân hóa và cải thiện trải nghiệm của bạn trên trang web của chúng tôi cũng như để cung cấp cho bạn các quảng cáo có liên quan. Để biết thêm thông tin, hãy nhấp vào 'Tìm hiểu thêm' để kiểm tra các phương pháp thu thập dữ liệu của chúng tôi.

Để biết thêm thông tin, hãy nhấp vào 'Tìm hiểu thêm' để kiểm tra các phương pháp thu thập dữ liệu của chúng tôi.